IMC – Những công cụ truyền thông tích hợp Marketer cần biết

Trong thời đại cạnh tranh ngày càng gay gắt, truyền thông marketing tích hợp (Integrated Marketing Communications – IMC) là một phương pháp tiếp thị sử dụng các công cụ và kênh truyền thông khác nhau để truyền tải thông điệp của doanh nghiệp đến khách hàng mục tiêu một cách nhất quán và hiệu quả.

Quảng cáo

Quảng cáo trong marketing
Quảng cáo

Quảng cáo là một công cụ IMC truyền thống và phổ biến nhất hiện nay. Đây là hoạt động truyền thông mà các thương hiệu sử dụng để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ hoặc thông điệp đến một tập hợp đối tượng mục tiêu thông qua các phương tiện truyền thông như truyền hình, radio, tạp chí, báo, quảng cáo trực tuyến,… Chủ thể quảng cáo phải chi trả cho việc sử dụng không gian hoặc thời gian trên các nền tảng truyền thông khác nhau để quảng bá sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu.

Đặc điểm “phi cá nhân” (nonpersonal) của quảng cáo cũng nhấn mạnh việc người tiếp nhận sẽ không thể phản hồi ngay lập tức với thông tin nhận được, vì vậy, chủ thể quảng cáo cần cân nhắc và cẩn thận trong quá trình mã hóa và gửi thông điệp đi. 

Điểm mạnh của công cụ này là giúp doanh nghiệp tiếp cận được lượng lớn khách hàng, kiểm soát được thông điệp và thời gian truyền tải cũng như có thể đo lường được hiệu quả qua hai yếu tố: hiệu quả tin tức của thông điệp quảng cáo và hiệu quả của phương tiện quảng cáo.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp áp dụng công cụ truyền thông này cần lưu ý một số điểm hạn chế như chi phí cao, có thể gây khó chịu cho khách hàng và có khả năng bị khách hàng phớt lờ.

 

Quan hệ công chúng

PR trong marketing
Quan hệ công chúng

Quan hệ công chúng trong truyền thông marketing tích hợp là chức năng nhằm kiểm soát và quản lý hình của công ty và thái độ của công chúng khi công ty lên kế hoạch và truyền tải thông tin một cách hệ thống. Quan hệ công chúng sử dụng các hoạt động tạo dư luận trong cộng đồng và các công cụ khác như quan hệ truyền thông, viết thông cáo báo chí, tổ chức sự kiện, tài trợ, quản lý khủng hoảng,...

Một trong những nhiệm vụ chính của quan hệ công chúng là xây dựng hình ảnh tích cực cho doanh nghiệp. Thông qua việc tạo ra những thông điệp và hoạt động có ý nghĩa tích cực, hoạt động quan hệ công chúng giúp tạo lập và duy trì hình ảnh thương hiệu tốt trong mắt công chúng và khách hàng. Bên cạnh đó, quan hệ công chúng giúp đối phó với tin đồn, thông tin không chính xác hoặc bất lợi về doanh nghiệp. Bằng cách truyền tải thông tin chính xác và minh bạch, hoạt động quan hệ công chúng có thể đảm bảo rằng công chúng nhận được thông tin đúng và tránh sự hiểu lầm. 

Quan hệ công chúng có khả năng tạo sự ủng hộ và thiện cảm từ công chúng và khách hàng. Thông qua việc tương tác, giao tiếp và truyền tải giá trị của doanh nghiệp, các hoạt động quan hệ công chúng tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự tương tác tích cực. Quan hệ công chúng giúp tạo mối quan hệ tốt đẹp với các đối tượng quan trọng như công chức, cơ quan thông tin đại chúng và cộng đồng.

Khuyến mãi

Khuyến mãi trong marketing
Khuyến mãi

Các công cụ khuyến mãi được sử dụng hướng đến đối tượng khách hàng là những người tiêu dùng cuối cùng của một sản phẩm hay dịch vụ hoặc khuyến khích các trung gian thương mại (lực lượng bán hàng, nhà phân phối) tăng doanh số bán ngay lập tức. Một số phương tiện thông dụng bao gồm giảm giá, phiếu giảm giá, hoàn tiền, chương trình mua một tặng một, ưu đãi trong thời gian giới hạn, cuộc thi trúng thưởng, quà tặng,…

Khuyến mãi là một phần quan trọng trong hoạt động truyền thông tích hợp của doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy việc mua sản phẩm, dịch vụ ngay lập tức thông qua các biện pháp kích thích và khuyến khích. 

Vai trò của khuyến mãi là quan trọng và cần thiết trong việc tối ưu hóa doanh số bán và tạo ra sự tương tác tích cực với khách hàng. Khuyến mãi giúp tạo động lực cho khách hàng mua sắm nhanh chóng, tạo ra sự hứng thú và kích thích trong việc mua sắm. Khách hàng có cảm giác nhận được lợi ích đặc biệt hoặc giá trị tốt hơn từ việc mua sản phẩm trong thời gian ngắn. 

Khuyến mãi và quảng cáo có thể hoạt động cùng nhau để tạo sự tương tác toàn diện với khách hàng. Trong khi quảng cáo tạo nhận thức về sản phẩm, khuyến mãi thúc đẩy hành vi mua của họ. Bên cạnh đó, khuyến mãi không chỉ tạo sự tương tác với khách hàng hiện tại mà còn mở ra cơ hội tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, khuyến mãi không chỉ tác động tới khách hàng mà còn thúc đẩy các kênh phân phối tăng cường hoạt động bán hàng.

Bán hàng cá nhân

Bán hàng cá nhân trong marketing
Bán hàng cá nhân

Khi người mua đã hình thành sự ưa thích, niềm tin và đang trong quá trình ra quyết định mua thì việc áp dụng công cụ bán hàng cá nhân được xem là hiệu quả và tối ưu nhất. Có thể hiểu đơn giản, đây là một phương thức giao tiếp trực tiếp và cá nhân, lúc này người bán hàng cung cấp thông tin và cố gắng thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ của mình hoặc tạo cảm nhận tích cực cho khách hàng đối với thương hiệu, tác động đến hành vi mua hàng trong tương lai.

Bán hàng cá nhân là một phương thức tương tác trực tiếp giữa người bán và khách hàng, tạo ra một cuộc đối thoại để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và thúc đẩy quá trình mua sắm. Với sự tương tác trực tiếp này, bán hàng cá nhân mang đến nhiều ưu điểm và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động truyền thông. 

Đầu tiên, bán hàng cá nhân tạo ra một môi trường gần gũi hơn giữa người bán và khách hàng. Khách hàng có cơ hội tương tác trực tiếp, đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời đầy đủ, giúp họ cảm thấy tự tin hơn trong việc ra quyết định mua hàng. Bên cạnh đó, nhân viên bán hàng có thể tìm hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của từng khách hàng, từ đó điều chỉnh thông điệp để tiếp cận và tạo sự kết nối sâu sắc hơn với khách hàng. Hơn nữa, thông qua công cụ truyền thông tích hợp này, doanh nghiệp có cơ hội thu thập thông tin từ khách hàng về các vấn đề liên quan đến sản phẩm, dịch vụ và thị trường để có thể nghiên cứu và điều chỉnh chiến lược phù hợp. 

Marketing trực tiếp

marketing trực tiếp
Marketing trực tiếp

Đây là phương thức truyền thông ngày càng trở nên phổ biến và được áp dụng nhiều trong các hoạt động truyền thông của doanh nghiệp. Ở đây, doanh nghiệp sẽ thực hiện hoạt động giao tiếp trực tiếp với khách hàng tiềm năng để tạo ra được sự phản hồi hay giao dịch. Marketing trực tiếp bao gồm nhiều hoạt động như gửi thư trực tiếp, đặt hàng theo catalog, qua thư, quản lý cơ sở dữ liệu, bán hàng trực tiếp, bán hàng qua điện thoại, phản hồi trực tiếp qua thư, internet,…

Marketing trực tiếp đóng vai trò vô cùng quan trọng không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn đối với khách hàng. Đầu tiên, đối với doanh nghiệp, Marketing trực tiếp giúp doanh nghiệp tập trung vào việc tìm kiếm và tiếp cận khách hàng tiềm năng có khả năng mua hàng cao hơn cũng như có thể cá nhân hóa thông điệp dựa trên thông tin về từng khách hàng, tạo sự kết nối chặt chẽ hơn và thúc đẩy mua sắm. Đối với khách hàng, Marketing trực tiếp cho phép khách hàng có thể tìm hiểu và mua sắm sản phẩm, dịch vụ mọi lúc mọi nơi, đồng thời tiết kiệm thời gian so với việc đến cửa hàng trực tiếp.

 Mục tiêu chính của Marketing trực tiếp là thúc đẩy mua sắm ngay tại thời điểm tương tác. Sự thành công được đo lường thông qua tỷ lệ đáp ứng, cho thấy sự tương tác và khả năng thuyết phục của chiến dịch. Marketing trực tiếp mang lại sự cá nhân hóa và tiếp cận hiệu quả, giúp cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng và đồng thời tạo ra giá trị cho doanh nghiệp.

 

KẾT LUẬN

IMC là một phương pháp tiếp thị hiệu quả giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp đến khách hàng mục tiêu một cách nhất quán và hiệu quả. Bằng cách lựa chọn và sử dụng các công cụ IMC phù hợp, các marketer và doanh nghiệp có thể đạt được các mục tiêu truyền thông của mình.

DỊCH VỤ ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP

// Câu 2 // Câu 3 // Câu 4 // Câu 5